Zillow, là một trong những công ty kinh doanh bất động sản trực tuyến tại Mỹ với doanh thu năm 2019 là hơn 2,7 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp 2 lần so với năm 2018 ( hơn 1,3 tỷ đô la). Zillow được thành lập từ năm 2006. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem nhờ đâu mà Zillow có sự thành công này và liệu đây có phải xu thế cho bất động sản tại Việt Nam trong những năm tới.

Zillow có dữ liệu về 110 triệu ngôi nhà trên khắp nước Mỹ, không riêng những ngôi nhà hiện đang được rao bán. Hệ thống có thể đưa ra ước tính giá trị của các ngôi nhà, tra cứu sự biến động của giá nhà trong một khoảng thời gian nhất định (chẳng hạn như một, năm hoặc 10 năm), xem vị trí và hình ảnh ngôi nhà chính xác trên bản đồ số. Hệ thống cũng có thể truy cập dữ liệu công cộng, những thông tin cơ bản về một ngôi nhà như diện tích, số phòng ngủ.

Như đa phần các công ty khác, Zillow tạo ra doanh thu từ việc thu phí từ các chủ đầu tư, những người muốn bán nhà để quảng cáo trên hệ thống mạng của Zillow, bao gồm các trang web như Zillow, Trulia, bất động sản của AOL và MSN. Zillow cung cấp danh sách khách hàng tiềm năng cho những người bán để họ có thể bán được giá cao nhất, bù cho chi phí quảng cáo. Công ty lựa chọn thị trường cho thuê là thị trường chính bởi vì những người thuê nhà di chuyển thường xuyên hơn người mua nhà để ở, và những người cho thuê nhà thì sẵn sàng chi tiền cho quảng cáo và đàm phán để luôn lấp đầy nhà cho thuê.
Zillow cũng cung cấp dịch vụ website cho các nhà môi giới bất động sản, bao gồm cả thiết kế, tìm kiếm và tích hợp cả tên miền. Các nhà môi giới bất động sản cũng có thể mua quảng cáo của Zillow. Quảng cáo nhắm tới người dùng trong khu vực hoạt động của nhà môi giới, giúp họ có được những khách hàng mới đang tìm mua hoặc bán nhà. Quảng cáo cũng làm tăng khả năng xuất hiện các ngôi nhà và căn hộ rao bán của các nhà môi giới nên họ nhanh chóng tìm được khách hàng hơn. Chương trình này cũng bao gồm cả phần dịch vụ quản lý khách hàng để họ có thể nắm được những khách hàng có quan tâm tới các nhà môi giới bất động sản. Những nhà môi giới này cũng hợp tác với Zillow để thực hiện các giao dịch, ví dụ họ là đại diện cho Zillow đến gặp khách hàng thực hiện các giao dịch ngắn hạn, hoặc hỗ trợ những khách hàng từ chối thực hiện giao dịch trực tuyến, vẫn muốn giao dịch theo phương thức truyền thống. Đây là nguồn doanh thu chính của Zillow.
Năm 2019 đánh dấu một bước chuyển dịch lớn khi Zillow tập trung vào phát triển công nghệ iBuying, khai trương từ giữa năm 2018. Với công nghệ này, giao dịch có thể thực hiện tự động hóa. Cụ thể là chủ nhà có thể thông qua hệ thống của Zillow để xác định giá dự kiến của họ; nếu họ ở trong phạm vi giá và ở khu vực mà Zillow thấy có cơ hội giao dịch tốt, họ có thể bổ sung thêm một vài thông tin cơ bản về nhà (ảnh là tùy chọn nhưng không bắt buộc). Trong vòng 48 giờ, Zillow đưa ra một đề nghị mua nhà với mức giá ban đầu, dựa trên “sự kết hợp giữa con người và máy móc”. Zillow tính toán mức giá này với dữ liệu có trong tay và sử dụng các đối tác là các nhà môi giới trong khu vực để đảm bảo đó là một mức giá phù hợp. Nếu chủ nhà đồng ý, Zillow sẽ cử nhân viên tới để kiểm tra, đánh giá trực tiếp ngôi nhà. Sau đó, họ sẽ có thể điều chỉnh mức giá, có tính đến những sửa chữa cần làm. Nếu chủ nhà chấp nhận lời đề nghị, họ có thể chốt ngày ký hợp đồng trong vòng từ 7 đến 90 ngày. Thường thì toàn bộ quá trình cung cấp không mất hơn một tuần, sau đó Zillow sẽ tiến hành sửa chữa và bán lại ngôi nhà đó.
Trong Zillow, sự chuyển dịch này được gọi là “Zillow 2.0”, và CEO Rich Barton đã gọi dây là một “chiến tuyến mới trong bất động sản”. Barton mong muốn dịch vụ của Zillow cuối cùng sẽ biến đổi ngành bất động sản để việc bán nhà dễ dàng như kinh doanh xe cộ. Tuy nhiên đây là một thử thách lớn và công ty đang mất hàng triệu đô la mỗi tháng cho sáng mục tiêu này. Nhưng Barton tin rằng đây là hướng phát triển đúng.
Càng ngày, càng nhiều đại lý sử dụng Facebook và các kênh trực tuyến để tiếp thị nhà, và Zillow đã chiếm được một phần lớn của thị trường quảng cáo bất động sản trực tuyến; nó đã mang lại 1,3 tỷ đô la doanh thu từ quảng cáo trực tuyến vào năm 2019. Với gần 200 triệu người dùng hàng tháng trên các trang web của mình, Zillow hiện là một trong những nền tảng bất động sản trực tuyến lớn nhất tại Mỹ. Vậy tại sao Zillow lại phải thực hiện bước chuyển dịch rủi ro này. Sự việc bắt đầu khi các đối thủ nhỏ hơn như OpenDoor, OfferPad và RedFin thử nghiệm với iBuying. Mike DelPittle, một chiến lược gia công nghệ bất động sản và học giả thường trú tại Đại học Colorado Boulder nhận định: “Vị thế của Zillow có được dựa trên việc là nơi đầu tiên người tiêu dùng đến khi họ mua hoặc bán nhà. Vì vậy, họ cần phải lấy chiếm ngay các khoảng trống mới trên thị trường khỏi bất kỳ ai khác và sở hữu nó nhanh nhất có thể”. Nhờ đó, Zillow có thể giữ vững lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiều chuyên gia cảm thấy đó là một bước phát triển tự nhiên của công ty, việc phát triển iBuying vẫn đi kèm với một số rủi ro khá lớn, đặc biệt là vì lợi nhuận rất mỏng. “Kinh doanh quảng cáo trực tuyến cho các bất động sản là một chuyện. Nhưng tham gia kinh doanh bất động sản lại là một trò chơi hoàn toàn khác.” Mark Mahaney, nhà phân tích internet hàng đầu tại RBC Capital Markets, cho biết.
Năm 2019, Zillow cho biết có hơn 250.000 chủ nhà đã đăng ký dịch vụ này. Nhưng Zillow đã chỉ mua khoảng 6.511 căn nhà và bán đi được 4.313. Mặc dù tỷ lệ này còn thấp, nhưng chúng đánh dấu một sự gia tăng lớn trong năm qua: Năm 2018, Zillow đã mua 686 căn nhà và bán 177. (Trong khi đối thủ Opendoor, để so sánh, đã mua khoảng 11.000 vào năm 2018.)
Trong khi nhiều khách hàng còn ngần ngại với mức phí và giá mua Zillow với dịch vụ iBuying, tháng 11, Zillow đã thực hiện một nghiên cứu với 3.200 ngôi nhà nơi người bán đã từ chối mức giá của Zillow đưa ra qua iBuying và tiếp tục bán nhà theo cách truyền thống. Giá bán cuối cùng trung bình chỉ cao hơn 0,22% so với giá của Zillow, một điều mà công ty sử dụng để nhấn mạnh quan điểm của Barton, giá bán của iBuying bám sát với giá thị trường.
Zillow thu phí theo tỷ lệ phần trăm với mỗi căn nhà họ mua, và họ có thêm lợi nhuận từ việc bán lại sau khi sửa chữa, tuy nhiên tổng hợp chung họ vẫn lỗ khoảng 312 triệu USD năm 2019 (trước thuế). Tuy vậy nhìn vào con số khách hàng tiềm năng 250.000 chủ nhà đăng ký bán nhà trong một năm. Nếu họ có thể mở rộng giao dịch với số khách hàng đó, iBuying là một cách thức kinh doanh hiệu quả hoàn toàn mới.